Tới phố Bát Đàn thưởng thức hương chè sen nhãn nước dừa
Tới phố Bát Đàn thưởng thức hương chè sen nhãn nước dừa
Đừng nghĩ tới một món chè được nấu nhừ trên bếp với các loại hạt, nước và đường truyền thống. Chè sen, nhãn, nước dừa tươi là một sự kết hợp rất khéo léo của các loại trái cây.
Chè sen nhãn nước dừa
Quán rất nhỏ và không có gì đặc biệt trên phố Bát Đàn, Hà Nội. Nơi chúng tôi ngồi may mắn là có đủ có một mặt tiền cho khách ngồi, có thể quan sát xung quanh giữa san sát cửa hàng, quán xá. 2 ly chè sen nhãn được bưng ra sau vài phút gọi. Trong chiếc ly thủy tinh có tay cầm, nhìn rõ những cùi nhãn trắng ngà, những miếng cơm dừa non trắng xốp mềm mại.
Trước tiên, hãy uống một ngụm nước dừa tươi mát lạnh cho cơn khát hạ xuống. Sau đó, nhai thử miếng cùi nhãn đang bọc hạt sen kia, sau cảm giác về độ giòn, thơm của nhãn tươi, là cái bùi, ngọt vừa phải của hạt sen được đồ chín khéo léo. Uống thêm một chút nước dừa nữa, ăn kèm miếng cơm dừa mềm như thạch, đố bạn dám chê một tiếng về món chè độc đáo này.
Bà chủ quán tuổi trên 40 tỉ mỉ giải thích khi thấy khách khá quan tâm: Nguyên liệu nào cũng phải chọn lựa cái ngon nhất, tốt nhất, để giữ được thương hiệu. Hạt sen được đồ chín, ngào với đường để có độ ngọt vừa phải. Nhãn nếu đúng mùa của miền Bắc có thể chọn nhãn lồng Hưng Yên, còn nếu trái mùa, có thể chọn những trái nhãn cùi miền Nam, nhãn Thái Lan, quả lớn, cùi dày, thơm, ăn giòn.
Chúng tôi quan sát cô bé chừng 15 tuổi đang làm chè cho khách. Cô dùng một dụng cụ khá lạ mắt, xoáy cùi nhãn khéo léo để bỏ hạt nhãn ra, sau đó cho mỗi hạt sen đã chín vào một cùi nhãn để hạt sen được ôm trọn, không vỡ nát. Món ăn ngon, còn cần cả cái đẹp về thị giác.
Nước dừa làm món chè này cũng phải đòi hỏi công phu. Chọn dừa xiêm để có nhiều nước, vị ngọt tự nhiên. Tuyệt nhiên không bao giờ được cho thêm đường vào nước dừa, thế là hỏng mất món ngon. Cơm dừa ăn cùng chè phải là cơm bánh tẻ, nếu non quá thì dễ nát, còn già quá, món chè tự nhiên hóa dở.
Nhiều nơi của Hà Nội bây giờ cũng làm chè sen nhãn tươi. Món ăn này có khi được bán với giá thấp hơn nhiều ở Bát Đàn - nơi “khởi thủy” của nó. Tuy nhiên, cái “hơn nhau” ở đây, là cách làm nhân hạt sen, chọn cùi nhãn để món ăn vừa đẹp, vừa “chinh phục” khẩu vị của những người khó tính.
Chè sen Bát Đàn sẽ còn ngon hơn nếu người bán hàng dịu dàng hơn một chút Hạt sen không “sượng” nhé, cùi nhãn không mềm quá, ăn vừa thấy cái thơm của cùi nhãn tươi, lại không mất đi cái hương rất đặc trưng của hạt sen. Giá 30.000 đồng mỗi ly, nhưng đến Bát Đàn ăn một lần và nghe kể về những kỳ công để món ăn này bao nhiêu năm qua vẫn giữ được tiếng thơm, nhiều người gật gù: “Đắt, công nhận, xắt ra miếng”.
Nhưng giá như người bán hàng của chè sen trên phố Bát Đàn dịu dàng hơn một chút, niềm nở hơn một chút, có lẽ cái ngon của món ăn Hà Nội cũng đáng yêu hơn. Thôi thì, để bình yên, lại tự an ủi mình, làm sao để tìm được sự hoàn hảo, trọn vẹn mười mươi giữa nhịp sống này?
Theo Báo thanh niên