Xuyên việt cùng Thợ cắm hoa Hạnh PhúcCho thuê xe cổ đón dâu - Volkswagen Hành trình 77 ngày xuyên việt Tặng hoa

Những nghi lễ cưới hỏi truyền thống của người Việt

Theo các phong tục ngày xưa, nghi lễ cưới hỏi truyền thống của người Việt phải gồm đủ sáu lễ. Đó là lễ “Nạp thái”, lễ tiếp theo là “Vấn danh”, lễ thứ ba là “Nạp cát”, lễ thứ tư là “Nạp trưng”, lễ thứ năm là “Thỉnh kỳ” và lễ cuối cùng là “Thân nghinh”. Nhưng ngày nay, nghi lễ trong cưới hỏi chúng ta đã giản lược chỉ còn ba lễ chính: Chạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới.

Lễ vật cưới hỏi cần chuẩn bị những gì?

- Lễ nạp thái: người mai mối đem ý định kết sui gia của nhà trai đến thưa chuyện với nhà gái. Sau khi nghị hôn, nhà trai mang sang nhà gái một cặp “nhạn” để tỏ ý đã kén chọn ở nơi ấy.

- Lễ vấn danh: là lễ do nhà trai sai người làm mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái. Hỏi tên tuổi cô gái, cốt để nhờ thầy xem tuổi hai người xung hay hạp.

- Lễ nạp cát: lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi. Đưa tin vui, tức là tin về sự hợp tuổi, hai gia đình có thể tiến tới việc hôn nhân.

- Lễ nạp tệ (hay nạp trưng): là lễ nạp đồ sính lễ cho nhà gái, tang chứng cho sự hứa hôn chắc chắn. Nạp những lễ vật cần thiết đối với nhà gái

- Lễ thỉnh kỳ: là lễ xin định ngày giờ làm rước dâu tức lễ cưới. Nhà trai xin ngày cử hành hôn lễ

- Lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới): đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để rước dâu về.

 

Nhưng ngày nay, nghi lễ trong cưới hỏi chúng ta đã giản lược chỉ còn ba lễ chính: Chạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới.

- Lễ chạm ngõ

Lễ chạm ngõ (còn gọi là lễ xem mặt, lễ dạm ngõ) là một nghi lễ trong phong tục hôn nhân của người Việt. Lễ này nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân của hai gia đình.

Lễ chạm ngõ ngày nay là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình. Nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Buổi lễ này, không cần vai trò hẹn trước của người mối (kể cả những trường hợp yêu nhau nhờ mai mối), không cần lễ vật rườm rà.

Về bản chất, lễ này chỉ là một ứng xử văn hóa, thông qua đó hai gia đình biết cụ thể về nhau hơn (về gia cảnh, gia phong), từ đó dẫn tới quyết định tiếp tục hay không quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Lễ vật của lễ chạm ngõ theo truyền thống rất đơn giản: chỉ có trầu cau.

Xét về mặt chức năng: nếu bỏ qua lễ này mà đi thẳng vào lễ ăn hỏi thì mọi việc sẽ bị cảm thấy đường đột, ngang tắt, không có khởi đầu. Vì thế, tuy không phải là một lễ trọng nhưng lại là một lễ không thể thiếu trong tiến trình hôn lễ. Hơn nữa, lễ này không tốn kém (lễ vật chỉ có trầu cau) mà lại biểu thị được bản sắc văn hóa dân tộc (văn hoá trầu cau) thì việc bỏ qua lễ này là điều không hợp lý.

Đối với lễ này, thường người Việt Nam vẫn tiến hành theo khuôn mẫu cổ truyền:

* Thành phần tham gia:

 + Nhà trai: Bố, mẹ, chú rể, người mối (nếu có.)Có thể có Ông bà nội, ngoại hoặc chú bác cậu dì bên nội, ngoại.

 + Nhà gái: Cả gia đình nhà gái(Cha, mẹ,cô gái; ông bà nội, ngoại hoặc đại diện nôi, ngoại).

*Trang phục:

Mọi người mặc trang phục lịch sự ăn nói nhẹ nhàng có văn hoá. Không nhất thiết mặc comple và áo dài (vì còn phụ thuộc vào thời tiết nắng mưa và địa hình, khoảng cách nhà gái…)

*Lễ vật của nhà trai:

Trầu, cau, chè, thuốc, bánh kẹo, hoa quả (nếu có điều kiện), mỗi thứ đều phải tính chẵn. Lễ này đơn giản, không phải thủ tục rườm rà.

*Nhà gái:

Dọn dẹp nhà cửa sạch, đẹp. Ăn mặc đẹp, trang trọng. Khi đoàn khách nhà trai đến, đón chào niềm nở. Tiếp khách bằng trà (nếu có trà thơm là tốt nhất). Khi nhà gái đồng ý nhận lễ vật, mang đặt lên bàn thờ thì cuộc lễ coi như kết thúc. Sau đó hai bên có thể ngồi lại nói chuyện đôi chút.

Gia đình nhà gái sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị một buổi gặp gỡ chu đáo để đón tiếp nhà trai.

Ảnh: phununet.com

- Lễ ăn hỏi

Lễ ăn hỏi còn được gọi là lễ đính hôn là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt. Đây là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ. Đây là giai đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân: cô gái trở thành “vợ sắp cưới” của chàng trai, và chàng trai sau khi mang lễ vật đến nhà gái là đã chính thức xin được nhận làm rể của nhà gái và tập gọi bố mẹ xưng con.

Trong lễ ăn hỏi, nhà trai mang lễ vật tới nhà gái. Nhà gái nhận lễ ăn hỏi tức là chính danh công nhận sự gả con gái cho nhà trai, và kể từ ngày ăn hỏi, đôi trai gái có thể coi là đôi vợ chồng chưa cưới, chỉ còn chờ ngày cưới để công bố với hai họ.

*Thành phần tham gia:

 + Nhà trai: Chú rể, bố mẹ, ông bà, gia đình,bạn bè và một số thanh niên chưa vợ bưng mâm quả (hoặc bê tráp). Thường thì người bê tráp là nữ nhưng do mâm quả bây giờ khá nặng nên có thể thay thế bằng nam. Số người bê tráp là số lẻ, 3, 5, 7, 9 hoặc 11.

 + Nhà gái: Cô dâu, bố mẹ, ông bà, gia đình và một số nữ chưa chồng để đón lễ ăn hỏi, số nữ đón lễ vật tương ứng với số nam bưng mâm.

Mâm tráp là vật không thể thiếu mà nhà trai phải chuẩn bị. Ảnh: Brian&Jackie.

*Lễ vật:

Trầu, cau; bánh cốm; mứt sen; rượu; chè; thuốc lá; bánh phu thê (bánh xu xê), bánh đậu xanh,lợn sữa quay, tiền dẫn cưới v.v.

Những gia đình xưa thường dùng bánh cặp nghĩa là gồm hai thứ bánh tượng trưng cho âm dương. Những cặp bánh thường dùng trong lễ ăn hỏi là bánh phu thê và bánh cốm – bánh phu thê tượng trưng cho Dương, bánh cốm tượng trưng cho Âm; hoặc bánh chưng và bánh dày – bánh chưng vuông là Âm, bánh dày tròn là Dương. Thường thường cùng kèm với bánh chưng và bánh dày thường có quả nem. Bánh cốm, bánh xu xê, bánh chưng, bánh dày và quả nem dùng trong lễ ăn hỏi đều được đựng trong hộp giấy màu đỏ hoặc bọc trong giấy đỏ, màu đỏ chỉ sự vui mừng. Cũng có gia đình thay vì các thứ bánh trên, dùng xôi gấc và lợn quay.

Đó là những lễ vật tối thiểu theo tục lệ cổ truyền; tất nhiên, chất lư­ợng và số lượng thêm bớt thì tùy thuộc vào năng lực kinh tế của từng gia đình. Theo phong tục Hà Nội truyền thống thường có lợn sữa quay, còn theo phong tục miền Nam có thể có một chiếc nhẫn, một dây chuyền hay bông hoa tai đính hôn. Tuy nhiên, số lượng lễ vật nhất thiết phải là số chẵn (bội số của 2, tượng trưng cho có đôi có lứa), nhưng lễ vật đó lại được xếp trong số lẻ của tráp (số lẻ tượng trưng cho sự phát triển).

Lễ vật dẫn cưới thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô gái. Nói theo cách xưa là: nhà trai bỗng dưng được thêm người, còn nhà gái thì ngược lại, “Con gái là con người ta”. Mặt khác, lễ vật cũng biểu thị được sự quý mến, tôn trọng của nhà trai đối với cô dâu tương lai.

Trong một chừng mực nào đó, đồ dẫn cưới cũng thể hiện thiện ý của nhà trai: xin đóng góp một phần vật chất để nhà gái giảm bớt chi phí cho hôn sự. Tuy nhiên, điều này ngày nay càng lúc càng trở nên mờ nhạt xét về vai trò, vì dễ dẫn đến cảm giác về sự gả bán con, thách cưới.

- Lễ cưới

Lễ cưới hay đám cưới là một phong tục văn hóa trong hôn nhân nhằm thông báo rộng rãi về sự chấp nhận của xã hội và các bên thành hôn về cuộc hôn nhân. Với ý nghĩa này, lễ này còn gọi là lễ thành hôn.

Trước đây, người Việt gọi lễ này là lễ rước dâu. Ngày nay, trong ngôn từ của đời sống thường ngày, người ta gọi lễ này là lễ cưới, hôn lễ. Đây là hình thức liên hoan, mừng hạnh phúc cô dâu, chú rể và hai gia đình. Đây là nghi lễ được một số xã hội quan tâm và thường chỉ được tổ chức sau khi đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Trong tâm thức người Việt thì lễ cưới có giá trị cao hơn cả giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Sự quan tâm lớn của xã hội vào buổi lễ này đôi khi gây sức ép lên những người tổ chức: họ phải đảm bảo để có thể làm hài lòng nhiều người tham dự.

Lễ cưới của người Việt có nhiều thủ tục gồm:

 + Lễ xin dâu / chạm ngõ

 + Lễ rước dâu

 + Tiệc cưới

 + Lại mặt

Lễ cưới của người Việt thường phải xem ngày tốt để tiến hành các thủ tục như ngày tổ chức, ngày rước dâu về nhà chồng. Đây là một sự tin tưởng chuyện vui được cử hành ngày lành tháng tốt thì sẽ mang đến hạnh phúc và bình an cho cô dâu, chú rễ. Họ nhà trai sẽ phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật (như là bánh phu thê, rượu, trầu cau, trái cây,…) và sang họ nhà gái đúng ngày giờ đã xem. Các thủ tục như cha mẹ chú rễ sẽ nói lời để xin con dâu với họ nhà gái, cô dâu -chú rễ lạy bàn thờ tổ tiên, mời rượu cha mẹ hai bên và cha mẹ, họ hàng, anh chị em thân thiết có thể tặng quà mừng cho đôi vợ chồng mới cưới vào lúc này,…sẽ được tiến hành trước khi rước dâu về nhà chồng. Lễ cưới cũng có thể được tổ chức tại nhà thờ (dành cho những gia đình theo đạo Thiên Chúa giáo) hay tại chùa (cho những gia đình Phật giáo).

Cũng đã có những nỗ lực nhằm sáng tạo một biểu trưng cưới hỏi ở Việt Nam như đôi chim bồ câu, quả cau lá trầu, song biểu trưng thường gặp, cô đúc nhất về ngữ nghĩa trong lễ cưới ở Việt Nam xưa nay vẫn là chữ song hỷ. Đây là biểu trưng xuất xứ từ phong tục cưới hỏi Trung Quốc, với ý nghĩa trước kia thể hiện hai niềm vui lớn: đại đăng khoa (thi đỗ làm quan) và tiểu đăng khoa (cưới vợ), nay song hỷ biểu thị niềm vui chung của hai họ. Nhiều người Việt không hiểu chữ Hán nhưng khi nhìn vào chữ này cũng biết những nơi dán biểu trưng này đang có đám cưới. Cũng co 1 thể dùng chữ Tân hôn (cho nhà trai) hay Vu quy (cho nhà gái).

Trầu cau là lễ vật không thể thiếu trong lễ cưới. Ảnh: Phununet.com

Trong lễ cưới Việt Nam, thông thường sẽ có một bữa tiệc được tổ chức ở nhà hàng hoặc tại gia để mời bạn bè đến chung vui. Những người tham dự thường đem tặng các đồ mừng đám cưới hoặc tiền mừng. Quà cưới thường trang trọng, được bọc giấy điều, tiền có thể được bỏ vào bì thư đỏ. Trong đám cưới, ban lễ tân (thường là người thân) đứng ra nhận quà mừng. Có những đám cưới tổ chức tiệc trà, đơn giản hơn tiệc cưới thông thường, có ý không yêu cầu người tham dự mang quà mừng.

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều đôi dâu rể còn thường chụp ảnh kỷ niệm trước lễ cưới tại các ảnh viện hoặc chụp ngoại cảnh. Trong đám cưới thì thường chụp ảnh và quay phim. Và sau lễ cưới thì đôi vợ chồng trẻ có thể đi hưởng tuần trăng mặt (đây là một hình thức được du nhập từ nước ngoài vào).

Ngày nay, việc cưới và được tổ chức theo hình thức mới, ít coi trọng tục lệ cũ, nhưng những truyền thống đằng sau các bước và nghi thức chính chưa phải đã mất hết. Tuy nhiên, các đám cưới truyền thống xưa cũng khác nhau tùy theo vùng và dân tộc.

Hôn Lễ là một lễ trọng có quy định chặt chẽ từ nhiều thế kỷ qua của dân tộc ta không có gì thay đổi trên nền cơ bản. Tuy nhiên ở mỗi vùng, phong tục có điều chỉnh chút ít.

Minh Tâm

BÌNH LUẬN

Hoa 10 giờ's Blog

Ngắm phiên chợ độc đáo ở làng hoa Tây Tựu

Các ngày rằm và mùng 1 hàng tháng, chợ hoa Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) lại họp để phục vụ các lái buôn và người dân Thủ đô. Từ hoa cúc, hoa hồng,...
> Xem tiếp
Gọi
THIẾT KẾ HOA ĐẶC BIỆT