Xuyên việt cùng Thợ cắm hoa Hạnh PhúcCho thuê xe cổ đón dâu - Volkswagen Hành trình 77 ngày xuyên việt Tặng hoa

Người trồng hoa cuối cùng của làng hoa Ngọc Hà

Ông Bộ đang chăm sóc hoa.

Đã từng có một miền ký ức về làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội) ngọt ngào hình ảnh những người phụ nữ chốn kinh kỳ, chít khăn mỏ quạ, vận áo tứ thân, trên vai mang những gánh hoa đêm cứ thế gánh đi trong sương sớm. Nhưng miền ký ức ấy giờ mãi chỉ còn là hoài niệm khi một làng hoa nức tiếng kinh kỳ thuở nào, giờ chỉ còn lại một thửa đất hơn 300m2 trồng hoa giống của lão nông “cổ hủ” bậc nhất Hà Thành Trần Nguyên Bộ - người trồng hoa cuối cùng của làng hoa Ngọc Hà.

Khu vườn sót lại của… làng hoa

Ở giữa mảnh đất một thời là làng hoa Ngọc Hà nằm phía Nam Hồ Tây, tìm đến số nhà 46, ngõ 158/169 phố Ngọc Hà, ta sẽ thấy vườn hoa duy nhất còn sót lại. Vợ chồng ông Trần Nguyên Bộ và bà Đào Thị Liên cũng là cặp vợ chồng duy nhất còn giữ nghề của thủ đô. Tôi đã được nghe đôi vợ chồng lão nông này kể câu chuyện mà ông bà vẫn thường trăn trở - chuyện về “người trồng hoa cuối cùng của làng hoa Ngọc Hà”.

Phía sau cánh cổng sắt đã hoen màu thời gian, tổ ấm giản dị và mộc mạc rộng khoảng 400m2 của lão nông Trần Nguyên Bộ nằm ẩn mình như ốc đảo xanh nhỏ giữa một “sa mạc” của những ngôi nhà nhuốm màu bêtông san sát. Thật khó để có thể hình dung ra rằng, nơi chỉ cách Bờ Hồ một con đê - vốn được coi như bức tường xanh bao quanh phía bắc của Hoàng Thành Thăng Long này - đã từng là một làng Ngọc Hà nức tiếng kinh kỳ với: “Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát/Vườn Ngọc Hà thơm mát gần xa”. Chỉ cho đến khi được tận mắt nhìn thấy hơn 300m2 thơm mát những hương những hoa, tôi mới thấy thấm sao cái câu mà đã từ rất lâu các bà, các mẹ vẫn thường ghé tai nhau mỗi dịp lễ tết: “Ngày rằm đi chợ mua hoa/Phải chờ thấy gánh hoa Ngọc Hà mới mua”.

Khi thấy chúng tôi hào hứng tìm hiểu từng chi tiết nhỏ trong mảnh vườn của mình, với kinh nghiệm trồng hoa được truyền lại từ bao đời, ông Bộ chia sẻ: ‘Từ tháng 8 cho đến tháng 1 ta là thời điểm vào vụ. Lúc ấy, cứ quãng 21h là vợ tôi lên chợ hoa Quảng Bá, mang theo khoảng 3.000 - 4.000 cây giống. Người bán hoa ở các nơi đổ về Quảng Bá trong đêm, cất giống cũng trong đêm, rất vất vả. Sang đông, bà ấy còn một mình sù sụ chiếc áo mưa tránh mưa phùn gió bấc đi họp chợ bên sông, ngồi qua đêm, 4 - 5h sáng chợ vãn mới được về. Mưu sinh và cũng là yêu nghề thì vậy, chứ ai biết giá 100 cây cúc giống chỉ từ 4.000 - 5.000 đồng, đắt lắm cũng chỉ được độ 8.000 đồng, chẳng khác nào mấy mớ rau, mớ cỏ”.

Xưa kia, làng Ngọc Hà nổi tiếng với những giống hoa violet, thược dược, cẩm chướng, hoa hồng... Nhưng cùng với sự mai một của thế thời, bây giờ, gia đình ông chỉ lưu giữ và trồng những giống cây chủ lực như cúc hè thu, cúc đại đóa… Sống ở thời đại khi mà hoa ở hai miền Trung - Nam đều có thể nhanh chóng và dễ dàng vận chuyển ra miền Bắc như bây giờ thì việc trồng hoa thành phẩm lợi nhuận sẽ rất thấp. Chính vì lẽ đó nên trăn trở mãi, ông Bộ, bà Liên mới quyết định chọn cách trồng hoa giống. Ông dẫn tôi ra thăm những cây cúc giống các loại mà ông đang ươm mầm.

Ông Bộ bảo rằng, bí quyết tạo vẻ đẹp của hoa Ngọc Hà không phải ở phân bón, không phải ở các loại thuốc kích thích như bây giờ, mà ở sự dày công chăm sóc. Đã bao năm rồi, ông Bộ vẫn giữ nếp trồng cây xưa của người Ngọc Hà, chăm hoa như thể giữa người với hoa có mối giao hòa vậy. “Nghề trồng hoa này cũng giống như đánh bạc. Phải có duyên với nghề, yêu nghề thì mới làm được. Mỗi khi mưa bão, cả gia đình lại phải bao bọc cẩn thận cho hoa để không bị úng. Nửa đêm mưa bất thường, cả nhà lại vội dậy che cho hoa. Được cái là vườn ngay gần nhà nên cũng không vất vả lắm. Cái nghề trồng hoa đôi khi cũng kén chủ, nó giống như nghề đánh bạc vậy. Âu cũng là cái số đỏ đen, có duyên nợ với nghề thì mới theo được. Chẳng thế cho nên, trước đây từ 200 hộ gia đình trồng hoa, giờ chỉ còn duy nhất nhà tôi”, ông tâm sự.

Lão nông cổ hủ và ước mơ ươm mãi sắc hương hoa Ngọc Hà của tổ tiên

Sinh ra trong không gian của hoa, lớn lên cũng từ những gánh hàng hoa của bà, của mẹ, người chiến sĩ Trần Nguyên Bộ sau bao nhiêu năm chinh chiến lại trở về cùng với cái nôi trồng hoa của mảnh đất Ngọc Hà ruột thịt - nơi mà bao đời nay cha ông đã gắn bó. Ông hào hứng kể rằng, cứ mỗi ngày rằm, mùng một, các bà các chị mặc áo tứ thân, vấn khăn mỏ quạ lại gánh hoa lên phố, trên tay cầm những ngọn đèn dầu đi trong sương để sớm mai kịp bày những mẹt hoa tươi rói, rực rỡ sắc hương nơi cửa chùa.

Ngày ấy, ở làng, tất cả các hộ trồng hoa đều tham gia Hợp tác xã rau hoa Ngọc Hà. Mỗi đội hoa của hợp tác xã lại có một cửa hàng hoa ở chợ Đồng Xuân, Bờ Hồ hay chợ Mơ. Sớm tinh mơ, khi sương còn chưa kịp tan, chị em trong làng lại ríu rít gọi nhau đi cắt hoa rồi chở ra các cửa hàng trên phố bán. Ông kể, người dân lúc ấy còn phải trồng thêm rau, chăm thêm gà, nuôi thêm lợn, thả thêm cá… để có thu nhập gánh gồng nguồn thu ít ỏi từ việc trồng hoa. Nhưng không vì lẽ đó mà họ than thở, ngược lại, tất cả đều rất phấn khởi vì ai cũng quá yêu, quá say sắc hương hoa Ngọc Hà mang lại.

“Thỉnh thoảng ngồi lại, tôi vẫn nhớ đến hình ảnh các cô gái chít khăn mỏ quạ, đi đôi guốc mộc, gánh những gánh hoa đi khắp phố phường Hà Nội để phục vụ cho bà con. Nhưng bây giờ, những gánh hàng hoa ấy không còn nữa, mà chỉ còn lại những chiếc xe đạp thồ hoa đi khắp nơi thôi”, ông bồi hồi kể lại.

Bà Đào Thị Liên vốn không phải người gốc Ngọc Hà, không phải ngay từ khi sinh ra đã nằm trong chiếc nôi hoa như ông Bộ. Ông bà quen nhau khi bà còn là công nhân ở một nhà máy cũ. Về làm dâu xứ Ngọc Hà rồi bà Liên mới được mẹ chồng truyền cho cách trồng hoa, cũng từ đó không hiểu do đâu mà bà mê hoa đến lạ. Hai vợ chồng cứ thế bảo ban, động viên nhau gắn bó với nụ mầm.

Nhờ phần lớn vào nghề trồng hoa mà căn nhà ông Bộ và bà Liên đang ở những năm 80 của thế kỷ trước được nằm trong trong diện khá giả nhất làng, xung quanh hàng xóm bấy giờ chỉ là những ngôi nhà cấp 4 lụp xụp. Thế rồi nhà cao tầng cứ thế mọc lên. Căn nhà khá giả ấy của ông Bộ cứ thế trở nên nhỏ bé, cũ kỹ và lạc hậu. Khu vườn rợp bóng cây mát mẻ của ông bà như đã ngủ quên một giấc dài, chẳng có thay đổi gì trong khi cả làng đã lột xác.

“Người ta bảo tôi bán bớt đất đi, sẽ có tiền xây nhà gửi tiết kiệm hoặc đầu tư chứng khoán, sẽ cho thu nhập gấp chục lần, thậm chí trăm lần nghề trồng hoa. Tôi cũng biết thế, nhưng quyết không bán đất, quyết không bỏ nghề, bởi đơn giản nó là nghề gia truyền mà ông cụ đời trước gửi gắm để lại. Vậy nên họ nói tôi cổ hủ”, ông cười, khóe mắt khẽ xô lại những nếp nhăn của con người đã qua tuổi thất thập cổ lai hy mấy mùa xuân.

“Có đôi lần tôi cũng nghĩ đến việc thôi trồng hoa. Nhưng rồi, cái nghề nó như vận vào mình cho đến giờ. Muốn con cháu cũng lưu giữ cái nghề này, nhưng có đủ đảm bảo cuộc sống đâu mà chúng nó theo. Tuy làng hoa Ngọc Hà vốn nức tiếng kinh kỳ một thời nay chỉ còn sót lại trong vần thơ, câu hát…, nhưng tôi không muốn người ta gọi mình là người trồng hoa cuối cùng của làng hoa Ngọc Hà. Bởi như thế tức là hoa Ngọc Hà sẽ không còn cơ hội hồi sinh. Tôi chỉ muốn gọi mình là người tiếp nối nghề tổ của cha ông”, ông tiếp.

Người Hà Nội trước giờ vẫn yêu hoa và hoa ở làng Ngọc Hà vốn được yêu thích nhất. Hoa thì ở đâu cũng có. Muôn hoa sẽ về từ Sapa. Muôn nụ sẽ đến từ Đà Lạt. Những sắc hoa lạ của chốn trời Âu cũng sẽ bay đến. Một làng hoa Ngọc Hà mang đậm những sắc hoa thanh tao chốn kinh kỳ rồi cũng sẽ dần dần lùi xa, lùi xa mãi mãi vào dĩ vãng.

Trong cái guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, khi mọi thứ đều dần dần thay đổi, con người ta cũng phải gồng mình lên để thích nghi với những thay đổi ấy. Có lẽ đó cũng chính là lý do mà Ngọc Hà giờ đây, người bán đất, kẻ bán nhà, sống trong những hình khối cao tầng biệt thự, chỉ còn lại lẻ bóng một số nhà 46 này - nơi mà hàng ngày một lão nông năm (nay đã 74 tuổi) vẫn chăm chỉ vun luống, người vợ (70 tuổi) vẫn cần mẫn ươm mầm, trọn đời say mê, giữ gìn những khối màu tươi mát cỏ hoa, mang đậm nét thanh tao chốn kinh kỳ bao đời nay cha ông để lại.

Một ngày nào đó, những người yêu lắm cái nghề hoa của tổ tiên như ông Bộ cũng sẽ già đi. Mảnh vườn nhỏ cuối cùng nơi đây cũng sẽ không biết tay ai chăm sóc. Đôi câu thơ: “Hỏi người tát nước hái hoa/Có cho ai được vào ra chốn này” có lẽ cũng sẽ chẳng tìm được lời hồi đáp. Thấy nhớ, thấy thương biết bao những gánh hàng hoa mộc mạc còn ướt đẫm sương đêm, khi mà một ngày không xa đây, hoa Ngọc Hà sẽ chỉ còn là hương thơm tỏa ra từ những vần thơ, câu hát trong sách vở; từ những hồi ức thưở nào của những con người đi ngược về quá khứ như lão nông Trần Nguyên Bộ mà thôi.

Nguồn: Báo Lao Động

BÌNH LUẬN

Hoa 10 giờ's Blog

Món bánh đúc nóng Hà Nội

Món bánh đúc nóng Hà Nội mềm mượt và dẻo quánh, nước chan và nhân ăn rất vừa miệng. Mỗi thìa bánh trắng mịn đều là sự tổng hợp hài hòa của nhiều hương vị đang bốc khói, nóng hổi…
> Xem tiếp
Gọi
THIẾT KẾ HOA ĐẶC BIỆT