Xuyên việt cùng Thợ cắm hoa Hạnh PhúcCho thuê xe cổ đón dâu - Volkswagen Hành trình 77 ngày xuyên việt Tặng hoa

Xác định mục tiêu cuộc đời bằng các tiêu chí THÔNG MINH - "S.M.A.R.T GOAL"


Lâu lắm rồi bị mất phương hướng, viển vông, chẳng có mục tiêu gì, hôm rồi nghe một chân dài chém gió về mục tiêu của cuộc đời là may mắn lấy được một ông chồng giàu (già cũng được), có biệt thự, xế sang, xài đồ hiệu, du lịch vòng quanh thế giới... chợt nhớ lại ngày trước có học về các nguyên tắc SMART trong xác định mục tiêu, cố vắt óc ôn luyện lại chút cho đỡ quên và cũng giúp cho em nó nếu có đọc được thì cũng gọi là thêm một chút thực tế khi hoạch định tương lai cho bản thân mình.
Mục tiêu THÔNG MINH (SMART Goal) được giới thiệu lần đầu vào tháng 11 năm 1981 trên tạp chí Management Review (vol. 70, issue 11) trong một bài báo có tựa đề "Có một cách THÔNG MINH để hoạch định các mục tiêu quản lý" đồng tác giả bởi George Doran, Arthur Miller, và James Cunningham.
Ngay khi được giới thiệu, nó bắt đầu được xem như một công cụ kinh doanh, được phổ biến tới hàng vạn người và trở thành một phần của công việc cải thiện hữu hiệu quy trình quản lý các dự án trong kinh doanh. Đến nay, mục tiêu THÔNG MINH được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới để thiết lập tất cả các loại kế hoạch từ mục tiêu cải thiện sức khỏe, phát triển sự nghiệp cá nhân, kế hoạch tài chính đến công việc chuyên môn .v.v... 
Vậy SMART là gì? - Trong tiếng Anh, SMART là một tính từ có nghĩa là THÔNG MINH, còn trong nguyên tắc xác định mục tiêu, S.M.A.R.T là từ viết tắt (acronym), nhóm năm chữ cái đầu của năm từ chỉ các tiêu chí thường sử dụng trong việc xây dựng kế hoạch quản lý dự án để giúp một cá nhân xác định mục tiêu và các bước cần thiết để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, chúng được diễn đạt như sau:

Chữ cái
Diễn đạt
Một số cách diễn đạt khác
S
Specific - Cụ thể
Significant, Simple, Sustainable...
M
Measurable - Định lượng được
Motivational, Manageable, Meaningful...
A
Attainable - Có thể đạt được
Appropriate, Assignable, Achievable, Actionable...
R
Realistic - Thực tế
Relevant, Result-based, Results-oriented, Reasonable...
T
Timely - Đúng thời điểm
Timed, Time-bound, Time-oriented, Time-based, Time-specific...
 
Như vậy mỗi chữ cái đại diện cho một tiêu chí:
Thứ nhất: Mục tiêu đó cần phải cụ thể - SPECIFIC
Mục tiêu cụ thể có cơ hội được thực hiện lớn hơn một mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể là mục tiêu phải trả lời được các câu hỏi cụ thể như: Ai sẽ tham gia vào kế hoạch? Tham gia thực hiện những việc gì? Thực hiện những việc đó ở đâu? Cần bao nhiêu thời gian, từ thời điểm nào đến thời điểm nào? Cần những yếu tố gì để thực hiện, có khó khăn hạn chế gì không? Và lý do cụ thể về mục đích, lợi ích của việc hoàn thành mục tiêu đó.
Ví dụ: Bạn đặt mục tiêu "Mình phải luyện tập để giữ dáng" sẽ là một mục tiêu rất chung chung, thay vào đó để biến nó thành mục tiêu cụ thể bạn sẽ phải nói "Tôi đăng ký tham gia câu lạc bộ sức khỏe và tập luyện 3 ngày một tuần."
Thứ hai: Mục tiêu đó cần phải đo lường được - MEASURABLE
Mục tiêu của bạn phải được gắn liền với các con số, có nghĩa là mục tiêu của bạn có sức nặng, có thể cân, đo, đong, đếm được. Nó sẽ giúp bạn biết được chính xác điều mình cần đạt được là những gì, bao nhiêu, làm thế nào để biết khi nào nó được thực hiện? Khi bạn đo lường sự tiến bộ của bạn bằng những con số, những con số mà bạn đặt ra tương tự như đòn bẩy tinh thần, tạo động lực cho bạn nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu đó.
Ví dụ: bạn muốn có một nguồn tài chính ổn định, thì “ổn định” đối với bạn là như thế nào? Cụ thể là bao nhiêu? 10 triệu đồng, 20 hay 30 triệu đồng/tháng? Nguồn tài chính đó đến từ đâu? Cụ thể mỗi khoản là bao nhiêu?
Thứ ba: Mục tiêu đó cần phải có tính khả thi - ATTAINABLE
Khi bạn đưa ra một mục tiêu, tính khả thi là một yếu tố vô cùng quan trọng, vì vậy bạn phải đánh giá năng lực của bản thân để tránh đề ra một chỉ tiêu quá xa vời. Khi xác định mục tiêu bạn phải tính toán các biện pháp để có thể đạt được mục tiêu đó. Nhưng như vậy không có nghĩa là bạn chỉ lập cho mình một mục tiêu dễ dàng, đơn giản. Những mục tiêu quá dễ dàng làm cho bạn không cảm thấy thích thú và được thách thức.
Ví dụ: Bạn đặt mục tiêu đạt điểm 6.5 trong kỳ thi IELTS vào tháng sau, bạn có một tháng để ôn luyện và trình độ tiếng Anh thực tế vào thời điểm hiện tại của bạn chỉ đạt 3.0 điểm IELTS. Bạn có thể nhận thấy đó thực sự là một mục tiêu không dễ thực hiện chút nào.
 
Thứ tư: Mục tiêu đó cần phải thực tế - REALISTIC
Tính thực tế của mục tiêu đảm bảo cho bạn có thể vận dụng đủ các nguồn lực để chắc chắn rằng mình sẽ thực hiện được. Để làm được điều này, bạn hãy ngồi tính toán xem khả năng nhân lực, điều kiện vật chất, thời gian, các yếu tố trợ giúp từ bên ngoài… có đảm bảo cho bạn thực hiện được mục tiêu không?
Ví dụ thực tế: Năm ngoái tôi đã lên kế hoạch cho một chuyến đi châu Âu và chuẩn bị mọi điều kiện về thời gian, vật chất nhưng cuối cùng tôi không thực hiện được vì một lý do hoàn toàn không được tính đến: đó là sự chi phối từ bên ngoài liên quan đến việc xin phép tổ chức.
Thứ năm: Mục tiêu đó cần phải đúng thời điểm - TIMELY
Một mục tiêu phải được xác định trong một giới hạn thời gian, khi bạn không gắn thời gian với mục tiêu đó thì bạn không cảm nhận được tính cấp bách. Bất cứ một mục tiêu lớn nhỏ nào cũng cần được xác định một thời gian cụ thể, giống như bạn đặt lịch cho một cuộc hẹn vậy. Nó tạo cho bạn một giới hạn xác định thời điểm để đạt được nó. Với việc xác định thời gian, trong quá trình thực hiện, bạn biết được bạn đang ở điểm nào trong cuộc hành trình và kịp thời chấn chỉnh mức độ phấn đấu.
Ví dụ: Nếu bạn muốn giảm 10kg trong lượng cơ thể thì mục tiêu đó là vào thời điểm nào? Nếu thời gian là "Một ngày nào đó" tôi tin rằng bạn sẽ không đạt được ý muốn. Nhưng nếu bạn đặt nó trong một thời gian, "vào cuối tháng 10", thì bạn đã đặt tâm trí vô thức của bạn vào trạng thái chuyển động tập luyện để đạt được mục tiêu.
 Bạn đã từng nghe đến nguyên tắc SMART trong xác định mục tiêu chưa? Nếu đã từng nghe, từng đọc qua nó bạn đã lúc nào áp dụng vào cuộc sống để xác định những mục tiêu cho cuộc sống của mình chưa? Hãy thử áp dụng những nguyên tắc này để xác định bất cứ một mục tiêu nào đó trong cuộc sống của mình nhé.
P/S. Tôi đã thử và kết luận: Giữa lý thuyết và thực tế luôn là một khoảng cách, khoảng cách đó luôn có độ dài bằng chính bản thân bạn không hơn không kém.Hải Phòng, 04/9/2014

BÌNH LUẬN

Hoa 10 giờ's Blog

Rực sỡ sắc hoa trên đường phố Hà Nội

Mỗi mùa một sắc hoa đong đầy trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, rong ruổi khắp các nẻo đường mang đến cho Hà Nội vẻ đẹp dịu dàng, trong trẻo.
> Xem tiếp
Gọi
THIẾT KẾ HOA ĐẶC BIỆT