Xuyên việt cùng Thợ cắm hoa Hạnh PhúcCho thuê xe cổ đón dâu - Volkswagen Hành trình 77 ngày xuyên việt Tặng hoa

Ký ức Hà Nội xưa với làng Hoa Ngọc Hà

Người Hà Nội xưa có câu “Ngày rằm đi chợ mua hoa/ Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua”, chỉ chừng ấy thôi đã đủ thấy làng hoa Ngọc Hà có vị trí quan trọng như thế nào trong đời sống tinh thần của người dân xứ kinh kỳ.

Hình ảnh xưa về thiếu nữ làng hoa Ngọc Hà 

Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát

Hoa Ngọc Hà thơm mát gần xa

Hỏi người xách nước tưới hoa

Có cho ai được vào ra chốn này?

Cái tên Ngọc Hà đã đi vào thơ ca như vậy đó. Thân thương và trìu mến, những câu thơ ấy như gợi nhớ lại một trong những làng hoa nổi tiếng bậc nhất của đất Hà thành những thế kỷ trước. Người Hà Nội xưa có câu “Ngày rằm đi chợ mua hoa/ Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua”, chỉ chừng ấy thôi đã đủ thấy làng hoa Ngọc Hà có vị trí quan trọng như thế nào trong đời sống tinh thần của người dân xứ kinh kỳ.

Theo sử sách còn ghi chép lại, làng Ngọc Hà là địa danh của một làng trong thập tam trại - mười ba làng bao quanh Hồ Tây, chuyên sản xuất những nhu yếu phẩm cung cấp cho kinh thành Thăng Long trước kia. Trong đợt khai quật Hoàng thành Thăng Long,  các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích một con sông cổ chảy ngang qua kinh thành theo hướng Đông - Tây, về phía làng Ngọc Hà xưa, và họ cho rằng đây là con sông mang tên sông Ngọc (Ngọc Hà), làm nên tên làng Ngọc Hà. Làng Ngọc Hà nay trở thành phường Ngọc Hà thuộc quận Ba Đình, Hà Nội.

Người dân Ngọc Hà xưa kia trồng đủ các loài hoa đẹp cung cấp cho những người sành chơi ở đất kinh kỳ. Thời kỳ đầu, dân làng chỉ trồng các loại hoa để cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, sói, cúc, thiên lý. Hoa được xâu vào lạt thành tràng hoa hoặc gói trong lá tươi buộc lạt. Những người bán hoa đem treo lên cửa các nhà đặt mua trước hoặc các nhà có điện thờ. Đầu thế kỷ XX, người Pháp nhập các loại hoa ngoại như lay ơn, cẩm chướng, cúc... đến Ngọc Hà để trồng. Người Ngọc Hà dần tìm học được kỹ thuật trồng các loại hoa này để bán cho cả người Việt và người Pháp.

Tôi tìm đến nhà của ông Nguyễn Lê Cường để biết rõ hơn hình ảnh của làng hoa nổi tiếng xưa kia trong tâm trí của một nghệ nhân trồng hoa nổi tiếng của làng hoa Ngọc Hà. Sinh ra trên mảnh đất có nghề trồng hoa truyền thống, lại được bố mẹ truyền cho niềm cảm hứng, ông Cường có một niềm đam mê mãnh liệt với hoa lá và cây cối. Ông đã đạt được nhiều giải thưởng, huy chương do thành phố Hà Nội trao tặng. Cho đến nay, niềm đam mê ấy vẫn không thay đổi, du đã gần tuổi 60, ông vẫn dành thời gian cho những bông hoa, cây cảnh.

Ông Nguyễn Lê Cường

Nhớ lại những ngày tháng trước kia, ông Cường tâm sự: “Mấy chục năm trước, ở Làng Ngọc Hà, người người trồng hoa, nhà nhà trồng hoa, thậm chí hàng rào cũng là những giàn hoa. Những dải hoa màu vàng, màu tím, hồng thắm… xen lẫn nhau và cả những hồ nước nữa, tất cả thêu dệt nên một bức tranh thiên nhiên đẹp lắm”.

Bí quyết tạo nên vẻ đẹp của hoa Ngọc Hà, không phải ở phân bón, không phải ở các loại thuốc kích thích. Vùng Ngọc Hà xưa nhiều ao, hồ, cuối năm Âm lịch, người ta thường tát ao, phơi bùn, sau đó đập nhỏ ra để trồng hoa, thêm vào đó là sự dày công, chăm sóc tỉ mẩn, nhưng rất khoa học của người trồng. Chính vì vậy, giữa hoa và người như có mối giao hòa.

Những buổi sáng sớm trước đây, làng Ngọc Hà nhộn nhịp đông vui với những tiếng gọi nhau í ới của người dân đi chợ hoa. Trên cánh đồng hoa, luôn bắt gặp những người nông dân chăm xới đất, vun gốc, tưới hoa, nhặt cỏ… tiếng nói chuyện, cười đùa trao đổi về giống hoa mới, cách chăm sóc hoa vang động cả vùng.

Làng Ngọc Hà ươm trồng ra những bông hoa xinh đẹp, người con gái Ngọc Hà lại càng duyên dáng, thướt tha với áo tứ thân, tóc vấn đuôi gà, má đỏ hây hây… uyển chuyển gánh hàng hoa len lỏi khắp phố phường Hà Nội.

Hoa Ngọc Hà phục vụ cho đời sống thường nhật của người Hà Nội, dù là cưới hỏi, ma chay, cúng lễ hay thậm chí là niềm vui thích có những bông hoa tươi trong phòng khách hằng ngày. Đặc biệt vào các ngày giáp Tết, người Hà Nội có thói quen mua hoa và ngắm hoa. Ngày đó, những người con trai, con gái Hà thành đã đến đây để cùng nhau trò chuyện, hò hẹn và thề nguyện cho mối tình đẹp.

Bà Nguyễn Thị Cúc Oanh (vợ Ông Nguyễn Lê Cường), thích thú kể lại, khi còn là một cô gái trẻ sống ở Phố Cổ Hà Nội, lần đầu tiên bước chân đến làng Ngọc Hà, cảm giác như bước chân vào một thế giới khác vậy. Chính vì giàn hoa hồng vàng tươi thắm, có mùi thơm lạ, cùng những bó hoa nghệ thuật mà ông Cường tặng, khiến ông bà trở nên gần nhau hơn, nhờ đó đã tạo nên một mối tình đẹp của ông bà, để giờ ông bà có một cuộc sống hạnh phúc cùng con cháu.

Mảnh xác bom B52 ở Hồ Hữu Tiệp

Người dân Ngọc Hà không chỉ tự hào với nghề trồng hoa của mình mà còn tự hào khi cùng người dân Thủ đô quyết chiến đấu trong những ngày tháng Hà Nội chìm trong khỏi lửa của chiến tranh. Trong trận đánh Điện Biên Phủ trên không, một máy bay B52 của Mỹ đã rơi ngay trên bầu trời Thủ đô. Một mảnh chiếc máy bay này đã rơi xuống hồ đình làng Ngọc Hà, trở thành một bằng chứng không thể chối cãi về sự thất bại của B52. Mảnh xác máy bay này hiện vẫn còn được lưu giữ như một chứng tích lịch sử, biểu tượng của chiến thắng 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. “Những ngày tháng sống trong bom đạn chiến tranh đó, nhưng những người dân Ngọc Hà vẫn kiên cường cùng nhân dân thủ đô vừa đánh giặc, vừa gia tăng sản xuất”, ông Cường tự hào nhớ lại.

Ngọc Hà như tên gọi của miền ký ức, tưởng như vẫn còn thấp thoáng ẩn hiện mùi hương nồng nàn, hình ảnh thường nhật những người dân vui tươi rạo rực khi tự tay chăm sóc những bông hoa xinh đẹp, sắc vàng của hoa cúc, sắc thắm của hoa hồng, sắc tím của violet… trên những cánh đồng hoa bát ngát. Thế nhưng, thời gian dần trôi, theo sự phát triển của kinh tế-xã hội, những ngôi nhà cao tầng đã thay thế cho những vườn hoa, đường nhựa đã thay thế nhưng con đường lát gạch. Giờ đây, còn rất ít người Ngọc Hà còn gắn bó, tâm huyết với nghề trồng hoa.

Bao nhiêu năm tháng trôi qua, hình ảnh rực rỡ của những cánh đồng hoa ở làng Ngọc Hà có thể không còn nữa, nhưng những kí ức xưa về một thời kỳ hoàng kim của hoa Ngọc Hà vẫn còn tồn tại trong tâm hồn những con người Hà Nội.

Ông Nguyễn Cường xúc động chia sẻ: “Tôi vẫn nghĩ làng hoa Ngọc Hà sẽ luôn khắc ghi vào trong tâm trí mỗi gia đình, trong lòng mỗi người làng Ngọc Hà xưa đang sống và còn sót lại. Ấn tượng về một làng nghề trồng hoa truyền thống sẽ không mai một theo năm tháng. Tôi vẫn bảo con cháu, dù đi đâu cũng đừng quên nguồn gốc về quê hương, về làng Ngọc Hà – cái nôi đã từng nuôi dưỡng nhiều loài hoa nổi tiếng”.

Ngọc Hà, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá… những làng hoa này vẫn còn mãi như một phần nét đẹp văn hóa của Hà Nội – nét văn hóa mà người dân xứ kinh kỳ vẫn tự hào, cả bề dày và chiều sâu…

Anh Thư

BÌNH LUẬN

Hoa 10 giờ's Blog

Những nghi lễ cưới hỏi truyền thống của người Việt

Theo các phong tục ngày xưa, nghi lễ cưới hỏi truyền thống của người Việt phải gồm đủ sáu lễ. Đó là lễ “Nạp thái”, lễ tiếp theo là “Vấn danh”, lễ thứ ba là “Nạp cát”, ...
> Xem tiếp
Gọi
THIẾT KẾ HOA ĐẶC BIỆT