Xuyên việt cùng Thợ cắm hoa Hạnh PhúcCho thuê xe cổ đón dâu - Volkswagen Hành trình 77 ngày xuyên việt Tặng hoa

Tao nhã thú ăn chơi từ hoa bưởi

Không biết tự bao giờ, người Hà Thành đã dùng hoa bưởi đặt trong nhà, ướp mía, ướp sắn dây... Chỉ biết, cứ tháng 3 mùa bưởi trổ hoa cũng là mùa những gánh hàng rong kẽo kẹt đưa hương bưởi khắp các ngõ nhỏ, phố nhỏ.

Gần 15 năm nay, chị Hoàn (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) có nghề bán rong hoa bưởi. Với đôi quang gánh, hai bên hai cái sàng, chị nhẹ nhàng quẩy hoa bưởi len lỏi trên các con phố đông người, tạo nên một khung cảnh thơ mộng. Mỗi ngày đi chợ về, dù đã tắm rửa thì đôi tay chai sạn, đen nhẻm ấy vẫn đượm hương bưởi.

Hoa bưởi thường được hái vào lúc ban mai, khi có những tia nắng đầu tiên trong ngày len qua kẽ lá đánh thức những nụ hoa còn đượm sương đêm từ từ hé nở. Đây là lúc mùi hương hội tụ, thơm nhất. Người ta không bao giờ hái hoa vào sáng sớm bởi lúc đó hoa chưa nở, cũng không hái vào tầm trưa khi hoa nở bung, mùi hương đã bay đi ít nhiều. Hoa được hái cũng phải là bưởi rừng, bởi dù "cam Canh, bưởi Diễn" nổi tiếng ngon ngọt nhưng không mấy khi người ta hái hoa đi bán, phần vì để đậu quả, phần vì hoa bưởi thơm nhất, trắng nhất là những bông hoa trên rừng, nơi có không khí trong sạch.

Chơi hoa bưởi, người tinh túy thường chơi vào giữa mùa. Bởi đó là khi mưa phùn đã ngớt, tiết trời khô ráo. Hoa sẽ để được lâu, không sợ ủng, mùi thơm mới thật nồng nàn. Chỉ cần một vài nhánh hoa bưởi đặt trong nhà thì dù đi ở bất cứ nơi nào bạn cũng thấy cái mùi dịu ngọt đó phẳng phất trong không gian.

Chính vì vậy, bao năm bán hàng dong trên các con phố, chị Hoàn có rất nhiều khách quen. Chị cho biết, không kể người già, người trẻ cứ cách một ngày lại đón chị mua hoa bưởi. Có người chờ cả buổi trưa chỉ để mua dăm ba nghìn hoa bưởi, đặt vào một cái đĩa nhỏ, để trên bàn thờ cho cái hương thơm ngào ngạt nhưng thanh mát ấy len lỏi vào tâm hồn, để cả không gian trở nên thư thái.

Ngoài để thanh lọc không khí, hoa bưởi còn được người Hà Nội làm nên những món ăn tinh tế như mía ướp hoa bưởi, sắn dây ướp hoa bưởi, cũng có người dùng vài cánh hoa để ướp trà.

Cũng thời điểm này, trên các con phố Hàng Than, Hàng Điếu đang vào mùa làm bột sắn dây. Người Hà Nội với khiếu ăn chơi tinh tế có món bột sắn dây ướp hoa bưởi như muốn lưu giữ cả hương thơm của thiên nhiên đất trời trong những hạt bột sắn dây trắng mịn.

Sắn dây sau khi lọc thành bột sẽ được phơi trong nắng giòn để bột mịn màng, trắng tinh. Lúc bột chuẩn bị đóng gói cũng là khi người ta cho những bông hoa bưởi vào. Người bán hàng cho biết, họ chỉ lấy những cánh hoa bưởi ướp vào chứ không cho cả bông vì sợ nhị hoa bưởi sẽ lẫn màu vàng vào bột và làm bột bị đắng. một cốc nước sắn dây có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Bột sắn lại thêm một chút hương bưởi sẽ còn mang đến cảm giác mát lạnh, sảng khoái, đánh tan mọi mệt mỏi.

Mía ướp hoa bưởi cũng là món quà vặt thi vị trong mùa này. Người ta mua mía về, chọn đoạn giữa vừa mềm, vừa ngọt, tiện thành những đốt nhỏ, cho vào túi bóng, đặt vài bông bưởi vào trong rồi buộc kín lại. Có thể cho tủ lạnh hoặc đơn giản hơn là cho vào thau nước mát. Chỉ một lúc thôi, hương bưởi đã thấm vào mía. Người ăn sẽ cảm nhận được cái vị ngọt của mía cùng hương thơm của hoa bưởi. Ăn vào mà thấy sảng khoái nhờ tinh dầu hoa bưởi lay động đến từng giác quan

Theo lương y Vũ Quốc Trung cây bưởi có rất nhiều tác dụng, trong đó, hoa bưởi được rất nhiều người ưa dùng không đơn giản vì nó thơm, nó đẹp. Mùi hương bưởi giúp giải cảm, thư giãn, giảm stress, giải rượu, giúp tỉnh táo, minh mẫn, kích thích mọc tóc, tóc óng mượt...

Nhờ vậy từ xa xưa người dân đã biết dùng hoa bưởi ướp hương cho trà và bánh kẹo, ướp mía, bột sắn dây... Hoa bưởi còn là một vị thuốc tốt có tác dụng chữa ho đờm, đau dạ dày, đau đầu do mệt mỏi... Vào mùa này có thể chưng cất hoa bưởi làm nước hoa hay dùng nó để gội đầu, tắm rửa, xông hơi đều rất tốt.

Phan Dương/Vnexpress

BÌNH LUẬN

Hoa 10 giờ's Blog

Cách chế biến chè hoa cau

Thời tiết se lạnh, còn gì thú vị hơn khi được thưởng thức món ăn rất đặc trưng của mùa thu Hà Nội?
> Xem tiếp
Gọi
THIẾT KẾ HOA ĐẶC BIỆT