Xuyên việt cùng Thợ cắm hoa Hạnh PhúcCho thuê xe cổ đón dâu - Volkswagen Hành trình 77 ngày xuyên việt Tặng hoa

Đặc sắc ẩm thực phố cổ Hà Nội

Khu phố cổ Hà Nội, thường được gọi là “Hà Nội 36 phố phường”, là một quần thể kiến trúc độc đáo với những nét văn hóa ẩm thực độc đáo. Ẩm thực phố cổ Hà Nội là sự hòa hợp phong phú giữa các món ăn truyền thống Âu – Á, giữa phong cách sang trọng và phong cách bình dân “vỉa hè”...

Đặc sắc ẩm thực phố cổ Hà Nội

Tồn tại suốt dòng thời gian đầy biến động, từng là Kinh đô của nhiều triều đại, phải chăng từ đó nếp sống của người Thăng Long - Hà Nội có cốt cách riêng, có tập quán, lề thói ăn uống đầy khác biệt? ... Bên cạnh lối ẩm thực cầu kỳ mang tính cung đình, nặng về lễ nghi lại có lối ẩm thực rất bình dân, dung dị, đơn giản. Có “ẩm thực sang trọng” lại có “ẩm thực vỉa hè”; ngoài mấy bữa chính thì Hà Nội là nơi có nhiều món quà ngon ít nơi sánh được.

Phố cổ Hà Nội là nơi có nhiều món quà ngon ít nơi sánh được

Chỉ làm một khảo sát bằng mắt đơn giản, người ta cũng có thể biết được tại sao phố cổ Hà Nội lại được gọi là con phố ẩm thực. Các nhà mặt phố mở cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố Hàng Buồm - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Mã Mây - Tạ Hiện, trong tổng số 159 cửa hàng có 47 cửa hàng kinh doanh ăn uống, chiếm 30%. Trên vỉa hè các tuyến phố này có 50 người bán hàng buổi tối. Việc hình thành các nhà hàng ăn uống tự phát trên các tuyến phố nói trên với nhiều chủng loại phong phú đã đáp ứng được phần nào yêu cầu của du khách, nhất là du khách nước ngoài.

Có thể nói, đặc trưng của các khu phố này là nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, mang đậm dấu ấn của người Việt, người Hoa. Những món ăn truyền thống của người Hà Nội xưa, từ Bún thang, bún ốc, phở, phở cuốn, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tôm Hồ Tây đến các loại chè cổ truyền,... đều thể hiện nét tài hoa tinh tế của người Tràng An xưa, trở thành thương hiệu nổi tiếng của các khu phố và đã để lại ấn tượng tốt cho bạn bè trong và ngoài nước.

Những món ăn được công nhận đạt chuẩn giá trị Châu Á lại có mặt ở hầu hết khắp nơi

trên khắp con đường tuyến phố như Hà Nội

Bên cạnh đó, khu phố cổ còn là nơi lưu giữ được những công trình được xây dựng từ thế kỷ thứ 18-19 với dáng vẻ kiến trúc cổ, tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo, nổi bật là các di tích lịch sử như đền Bạch Mã, đình Quán Đế, nhà cổ 87 Mã Mây, đền Hương Tượng... Tất cả sẽ để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách khi đến thăm Hà Nội- đến thăm nơi kiến trúc độc đáo, ẩm thực độc đáo.

Văn hóa ẩm thực của người Hà Nội trước hết ở chỗ tinh sành, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, thanh cảnh, ngon và lành, sạch sẽ, chế biến tinh vi với nghệ thuật cao, món nào ra món ấy, đầy đủ gia vị để mỗi món mang một đặc trưng riêng biệt.

Điều đặc biệt, rất ít nơi trên thế giới, những món ăn được công nhận đạt chuẩn giá trị Châu Á lại có mặt ở hầu hết khắp nơi trên khắp con đường tuyến phố như Hà Nội, đặc biệt là ở khu phố cổ, từ phở, bún chả, bún thang.

Ngoài ra, một trong những nét đặc trưng của ẩm thực Hà Nội, mùa nào thức ấy, giờ nào món ấy. Tháng ba ăn bánh trôi bánh chay, tháng tám ăn bánh trung thu, tháng năm làm rượu nếp, mùa thu ăn cốm với hồng hoặc chuối trứng cuốc...

Chẳng thế mà nhà văn Vũ Bằng vào Sài Gòn sống hàng chục năm trời, cách xa Hà Nội, ông mang bệnh nhớ nhung, nỗi nhớ cồn cào, se sắt, y như người xưa trong điển cổ Trung Hoa mà Vũ Bằng đã dẫn trong lời nói đầu trong cuốn “Món ngon Hà Nội”: “Tại Kinh đô Trương Hàn thấy lá ngô rụng giếng thu thì sực nhớ đến rau thuần, cá lư và muốn treo ấn trở về quê cũ”. Nhà văn Nguyễn Tuân có sở thích ăn phở Hà Nội, đến nỗi trong dịp đi dự Đại hội hòa bình thế giới tại Hensiki (Phần Lan) mới chỉ xa Hà Nội chưa đầy một tuần lễ, cụ Nguyễn đã nhớ đến phở, đó là: “Chúng tôi nhớ heo hắt vì đi xa đất nước, khẩu vị lạc điệu, thấy nhớ nhà, nhớ đất nước, có cả một sự nhớ ăn phở nữa”.

 

Tháng năm rượu nếp, tháng mười cốm xanh…

Ẩm thực Hà Nội được nhắc đến nhiều trong thơ ca, các nhà văn, nhà báo như Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Băng Sơn, Mai Khôi... Có thể kể ra đây một loạt các đặc sản ẩm thực Hà Nội qua những câu ca dao, tục ngữ truyền khẩu: bánh trôi làng Gạ, bún làng Sùi và làng Tứ Kỳ, cá rô đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây, cam Canh, bưởi Diễn, chuối Sù, cà Láng, bánh cuốn Thanh Trì, bánh dày làng Kẻ, bánh tẻ làng So, bánh đúc Đơ Bùi, tương làng Sủi, giò Chèm, nem Vẽ...

“Cỗ sang nem Vẽ, giò Chèm

Anh giã, em gói nên duyên mặn mà

Phố phường kẻ chợ gần, xa

Miếng ngon nức tiếng quê ta khéo làm”.

Ẩm thực phổ cổ luôn hấp dẫn du khách

Hiện nay, Quận Hoàn Kiếm Hà Nội cũng đang xúc tiến triển khai xây dựng tuyến phố ẩm thực tại khu bảo tồn cấp I phố cổ Hà Nội, gồm Hàng Buồm- Mã Mây- Hàng Giầy- Lương Ngọc Quyến- Tạ Hiện- Đào Duy Từ. Các tuyến phố ẩm thực sẽ nằm trong không gian đi bộ mở rộng phục vụ khách du lịch và người dân Hà Nội tham quan, trải nghiệm phố cổ Hà Nội, khám phá các giá trị văn hóa, ẩm thực của đất Kinh kỳ xưa.

Hoa 10 Giờ 's Blog - Chuyện ẩm thực (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

BÌNH LUẬN

Hoa 10 giờ's Blog

Đậu Mơ - món ngon dân dã Hà thành

Vốn là món ăn dân dã, phổ biến ở Việt Nam, nghề làm đậu phụ hầu như ở vùng miền nào cũng có, nhưng đậu phụ làng Mơ vẫn nổi tiếng hơn cả. Những ai đã từng ở đất Hà thành hẳn không còn lạ lẫm với món ăn mềm mượt thơm ngon này.
> Xem tiếp
Gọi
THIẾT KẾ HOA ĐẶC BIỆT