Những phong tục đám cưới độc đáo nhất thế giới
Những phong tục đám cưới độc đáo nhất thế giới
Đám cưới là một ngày trọng đại đối với mỗi người, vì thế, ở mỗi đám cưới luôn có những điều tượng trưng cho sự hạnh phúc, quây quần, chung thủy và đùm bọc để cô dâu, chú rể có thể có một cuộc sống hôn nhân nồng ấm và viên mãn về sau.
Trong mỗi đám cưới, bên cạnh các thủ tục lễ nghi, cỗ cưới hay những bữa tiệc nhẹ cũng là một phần không thể thiếu. Tại nhiều quốc gia khác nhau, một vài nghi lễ liên quan tới thực phẩm trong đám cưới còn thay lời gửi gắm chúc phúc đến cô dâu chú rể, tạo nên nhiều phong tục đám cưới độc đáo và phong phú trên khắp thế giới.
1. Ba Lan
Cô dâu và chú rể trong đám cưới sẽ cùng nếm một mẩu bánh mì nhỏ với quan niệm họ sẽ không bao giờ bị đói. Sau đó, họ sẽ cùng nhấp một ngụm rượu để biểu thị sự ngọt ngào và nồng ấm trong cuộc sống lứa đôi sau này. Bên cạnh đó, ở đầu lưỡi của đôi vợ chồng mới sẽ được rắc lên một ít muối với mong muốn vợ chồng hòa thuận, có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
2. Trung Quốc
Ngoài những gì thường thấy trong phim ảnh, trong đám cưới Trung Quốc không thể thiếu hạt bạch quả. Theo quan niệm của người Trung Quốc, hạt bạch quả rất có lợi cho sức khỏe cũng như giúp kích thích tính dục. Vì vậy, bạch quả thường được phục vụ trong các tiệc cưới tại Trung Quốc, mang ý nghĩa cầu sinh cầu tự cho cặp vợ chồng mới cưới.
3. Nhật Bản
Cô dâu và chú rể sẽ cùng nhau uống 9 ngụm rượu sake. Sau ngụm rượu đầu tiên, họ đã chính thức trở thành vợ chồng. Họ sẽ đứng cách nhau qua một chiếc bàn, nhìn thẳng vào mắt nhau, mỗi người uống một ngụm rượu trong cùng một lúc và đặt ly rượu xuống bàn cùng một lúc. Phong tục này có ý nghĩa chúc phúc cho cô dâu, chú rể sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.
4. Ấn Độ
Hoa tươi không thể thiếu được trong lễ cưới của người Ấn Độ. Khi cô dâu chú rể làm lễ tuyên thệ xong, vào cuối lễ cưới, anh trai của cô dâu sẽ rắc những cánh hoa tươi lên đầu đôi uyên ương.
5. Anh
Đám cưới ở Anh không thể thiếu bánh cưới. Theo truyền thống, đó là một chiếc bánh hoa quả với nho khô, hạnh nhân, anh đào. Đối với người Anh, chiếc bánh cưới hoa quả là một phần truyền thống đáng tự hào và họ đã gìn giữ qua nhiều thế kỷ, với ý nghĩa: trái cây cùng rượu ở cốt bánh gắn liền với lời cầu chúc thịnh vượng và rộng đường con cái – điều mà tín ngưỡng dân gian vô cùng chú trọng. Chiếc bánh cưới làm từ hoa quả thậm chí còn xuất hiện trong một đám cưới Hoàng gia Anh năm 2011.
6. Philippines
Cô dâu và chú rể sẽ cùng đi mời khách những chiếc bánh dẻo bibingka làm từ dừa hoặc một loại bánh nếp gói trong lá dừa mang tên suman. Theo quan niệm của người Philippines, những chiếc bánh dẻo ấy sẽ giúp cô dâu chú rể gắn bó với nhau suốt đời.
7. Thụy Sĩ
Trong lễ cưới, một phù dâu sẽ dẫn đầu đám rước dâu và sẽ chuyển những chiếc khăn tay đủ màu sắc đến tay những khách mời. Sau đó, mỗi người khách mời sẽ đưa lại một đồng xu cho phù dâu với mong ước đặt nền móng cho một ngôi nhà mới của đôi uyên ương.
8. Nga
Tại Nga, những chiếc bánh mì đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Bánh mì là biểu tượng của cuộc sống phong phú nên trong đám cưới ở Nga không thể thiếu chiếc bánh cưới làm từ bánh mì gọi là kournik. Kournik được nướng trong nhà cô dâu và chú rể để có thể phản ánh về tính nam, tính nữ và sự hoà hợp của họ.
9. Ma-rốc
Sữa (tượng trưng cho sự an toàn và hạnh phúc) cùng quả chà là (đại diện cho cuộc sống ngọt ngào) sẽ là phần quà mời khách trong đám cưới. Trước khi lễ thành hôn được diễn ra, cô dâu cũng sẽ được tắm hơi với sữa để đảm bảo sự trong sạch cho cơ thể trước ngày trọng đại.
10. Đám cưới theo đạo Hồi
Những người theo đạo Hồi xem nghệ là loại gia vị đem lại nhiều may mắn. Vì thế, khách mời trong đám cưới sẽ dùng nghệ chà lên mặt cô dâu cũng như khuôn mặt của mình với mong muốn đôi vợ chồng son được gặp nhiều điều may mắn.
Theo Hà Uyên/Yan.vn