Hà Nội…. những tiếng rao đêm
Hà Nội…. những tiếng rao đêm
Tiếng rao đêm dường như đã trở thành cái điệu riêng gắn với Hà Nội bao đời, một thứ âm sắc gợi dậy bao xúc cảm về nhịp thời gian, không gian, nhịp sống và nhịp phố, làm nên một phần hồn của đêm Hà Nội…
Hà Nội…. những tiếng rao đêm
Chỉ vừa sầm trời, sập tối khi âm thanh nhộn nhịp của ban ngày lắng xuống là lúc bắt đầu nhịp điệu chậm rãi trong tĩnh lặng của buổi đêm, người dân lại nghe tiếng rao kéo dài. Đêm càng khuya tiếng rao càng vang xa, ngân dài từ đầu phố đến cuối phố, nhẫn nại và chậm chạp. Tiếng rao nối những con phố dài, vắng lặng, hun hút với những ánh đèn vàng vọt, leo lét lọt qua khe cửa khiến đêm càng sâu hơn. Những tiếng rao len lỏi khắp các đường phố, ngõ ngách Hà Nội, vang lên mỗi buổi sớm ban mai, ngân dài trong đêm thanh vắng cứ bám theo cuộc sống của những người Hà Nội xưa như một món ăn tinh thần không thể thiếu, ấm áp và rất đỗi thân quen, rất đỗi Hà Nội. Một Hà Nội thiêng liêng mà bình dị, vất vả mưu sinh mà chứa chan cảm xúc...
“Ai xôi bắp không, xôi bắp không…”, “Ai bánh chưng, bánh rán, bánh mì, bánh giò nào...”, “Ai xôi lạc, bánh khúc nóng…”... Mỗi lời rao mời lại có một giọng điệu riêng, lúc trầm ấm, lúc thanh cao, có lúc lại biến âm thật lạ và thu hút với nhiều âm sắc khác nhau, giống như một bản hòa ca cho thành phố về đêm. Có tiếng rao đúng nghĩa như một lời thông báo, mời chào, lời rao vang xa vào đêm. Có tiếng rao như bị nhúng nước trước khi bật qua môi. Có tiếng rao chất chứa hy vọng, lời rao như đùa cợt với mọi nỗi khổ đang vây bọc. Có tiếng rao bị tắc nghẽn ở đâu đó trong cổ họng. Có tiếng rao nở hậu. Có tiếng rao thắt lại, lời rao bị kéo dài mãi ra ở đoạn cuối. Mỗi lời rao là dấu hiệu nhận dạng một số kiếp qua âm thanh.
Tiếng rao ấy vang lên trong không gian của một cuộc sống khác
– mặt bên kia của một đô thị phồn hoa náo nhiệt
Mà ngay cả những người bán cùng một mặt hàng quà bánh, tiếng rao cũng không có một chút gì giống nhau. Tiếng rao của các em nhỏ khác rất nhiều tiếng rao của người già. Phụ nữ rao hàng cũng khác đàn ông. Nó không chỉ mang sắc thái của giới tính, tuổi tác mà dường như thoảng trong tiếng rao là cái gì đó rất hoàn cảnh của một đời người. Có thể cảm được, và hình dung được. Có một điểm chung là tiếng rao nào nghe cũng buồn buồn xa xót, cứ bị ngắt quãng ở những âm vực không thể ngờ được. Hãy cứ hình dung, vào một ngày mùa đông, mưa gió bão bùng, rét thâm tím phố, bỗng xé toanh màn đêm là tiếng rao khàn ” mì nóng dòn… đơi..”…
Trải qua những năm tháng gắn mình với thứ âm thanh quen thuộc ấy, tiếng rao càng cho người ta thêm nhiều cảm xúc khi hiểu rằng đằng sau những tiếng rao là những cảnh đời vất vả, những phận người rong ruổi mưu sinh và những tâm hồn bình dị mà cao quý. Tiếng rao ấy vang lên trong không gian của một cuộc sống khác – mặt bên kia của một đô thị phồn hoa náo nhiệt.
Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa ...
cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô ...
nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ ...
Những tiếng rao đêm với nhiều âm sắc khác nhau, giống như một bản hòa ca cho thành phố về đêm. Bản hòa ca ấy mang nhiều nốt thật buồn. Vào những đêm mưa phùn, gió bấc, bão chết cò, mặt đường, mặt ngõ vắng tanh, tiếng rao mới nổi lên, phảng phất màu sắc, âm điệu của tiếng rao xưa, văng vẳng từ ngoài mặt đường vào trong chăn ấm, từ mặt đất tối thẫm, ướt rượt lên lưng chừng trời - nơi những căn nhà chung cư mới dựng, đem đến cho người dân chút cảm thông, ấm áp, khiến người dân ngỡ ngàng nhận ra một Hà Nội yên tĩnh, sâu lắng sau cái phần ngày ồn ào, náo nhiệt, gấp gáp, quay cuồng.
Đêm càng về khuya, tiếng rao càng nhỏ dần, ai còn thức lại mới được thưởng thức lấy cái tuyệt diệu nhất của tiếng rao đêm, nhỏ thôi, nhưng vang xa, từ đầu con phố nhỏ, tới cuối con phố nhỏ, từng lời, nhẹ nhàng, nhẫn nại, chậm chạp, tiếng rao cứ thế chìm vào đêm tối, vắng lặng heo hút, với tiếng bập bùng của ngọn đèn dầu, cứ thế đi vào giấc ngủ.
Tiếng rao ấy vang lên trong không gian của một cuộc sống khác
– mặt bên kia của một đô thị phồn hoa náo nhiệt.
Rồi khi bình minh thực sự bắt đầu với tiếng chổi tre quét đường xào xạc của những chị lao công hăm hở... Hà Nội bắt đầu trong gió sớm ban mai, trong bộn bề cảm xúc... Tiếng rao càng trở nên nhộn nhịp hơn khi đội quân bán bánh mỳ, ngô rang, hạt dẻ tiến vào từng ngõ phố tạo nên bức tranh riêng: xôn xao và ồn ã. Ít ai còn nằm trên giường được nữa khi tiếng rao lọt vào tận khe cửa, qua chăn ấm, đệm êm, khoan sâu vào màng nhĩ và ánh nắng hỗn hào của buổi sớm lọt vào nhà như chọc tức, trêu ngươi... Khi ấy, ba mươi sáu phố phường Hà Nội càng mặn mà, duyên dáng thêm bởi những bước chân mềm mại của người đi làm, ăn nhịp với giọng rao ngọt ngào của các cô hàng bánh, hàng quà trên đất Hà thành.
Hà Nội nay ồn ào, tất bật và đông đúc với những âm thanh hỗn loạn cả ngày lẫn đêm. Giờ đây, để giữ sức, người bán hàng cũng biết tận dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật như việc ghi âm tiếng rao rồi cho phát ra bằng loa pin hoặc ắcqui, làm cho tiếng rao vang xa hơn; nhưng nhiều khi do pin yếu tiếng kêu “ọ… ọe”, nghe vừa thương vừa tức cười.
Họ rao cả vào buổi sáng, trưa, chiều, tối và đêm. Rồi thì, những lời rao bán, mua hàng tục tằn thiếu văn hóa nhiều khi đến khó hiểu. Anh bán báo thì câu khách bằng những thông tin giật gân, chị mua đồ điện tử cũ thì mời gọi bằng những câu thơ có vần điệu nhưng khó có thể hiểu được nội dung.
Thứ âm thanh trong trẻo một thời ấy, giờ nhiều khi trở nên chát chúa, nhức nhối, mệt mỏi. Tiếng rao của bầy trẻ nhỏ, ăn vận tồi tàn, những tiếng rao vội vàng, gấp gáp: Kết quả đây! kết quả đây! Tiếng rao cất lên ngay sau khi các hàng xổ số, lô đề dừng lại và vô tuyến truyền hình Trung Ương cùng đài phát thanh Hà Nội truyền đi thông tin về kết quả “xổ số kiến thiết Thủ đô”.
…
Sự ồn ào của đô thị trong nền kinh tế thị trường đã và đang len lỏi vào từng làn da, thớ thịt của thủ đô kéo theo những âm thanh đôi khi ầm ĩ, ồn ã, tạo thành thứ tạp âm khó nghe. Nhưng, những người đã từng gắn bó với Hà Nội, hay hoài niệm về một Hà Nội xưa, không khỏi chạnh buồn khi thấy những tiếng rao - một phần của hồn Hà Nội đang lùi dần vào quá khứ...
ST