Xuyên việt cùng Thợ cắm hoa Hạnh PhúcCho thuê xe cổ đón dâu - Volkswagen Hành trình 77 ngày xuyên việt Tặng hoa

Đám cưới Tây, đám cưới ta

Ở bên Anh này (và hầu như ở toàn bộ phương Tây nữa), gần như là nhà trai chỉ góp tiền, nhà gái lo toàn bộ việc tổ chức và quyết định.

Thông thường, ở nước ngoài, người ta lên kế hoạch chuẩn bị đám cưới trước khoảng từ 1 đến 2 năm. Nhà nào khá giả thì có thể thuê riêng một wedding planner (ở nước ngoài đây là một nghề nghiệp chính, với thu nhập tương đối tốt) để phối hợp với cô dâu chú rể (và mẹ cô dâu hoặc phù dâu chính) tổ chức cho họ một đám cưới như yêu cầu, chạy theo chương trình và trong quỹ tài chính mà họ đề ra. Ở bên Anh này (và hầu như ở toàn bộ phương Tây nữa), gần như là nhà trai chỉ góp tiền, nhà gái lo toàn bộ việc tổ chức và quyết định.

Ở Việt Nam thì ngược lại, việc tổ chức thường là do cả hai gia đình "đàm phán" và đi đến quyết định, nhiều khi nhà trai còn có phần hơn. Ở Việt Nam cũng chưa phổ biến wedding planner mà việc tổ chức thế nào là do hai nhà cùng quyết, và thường cô dâu, chú rể cũng ít khi có tiếng nói (phận làm con mà). Tất nhiên là tôi chỉ nói chung chung thôi nhé, thời buổi hội nhập bây giờ ngoại lệ chắc không hiếm. Về phía tôi thì cũng cố gắng tự làm tổ chức đám cưới trong chừng mực có thể (tất nhiên là toàn bộ ở Anh và cố gắng nhúng tay mỗi thứ một ít trong đám cưới ở Việt Nam vì ở nhà tôi ai cũng thích quyết định hết).

Tiệc tổ chức ở Việt Nam thường rất đông khách. Ảnh: Vân Mai.

Theo tâm lý phương Tây, đám cưới là ngày vui của gia đình, nên khách khứa chỉ có gia đình và một vài người bạn thân nhất của cô dâu, chú rể. Thậm chí anh, chị, em họ nhiều khi cũng không được mời và bạn bè ở cơ quan cùng làm việc nhiều khi cũng không được xếp vào loại bạn bè thân. Một đám cưới trung bình ở đây chỉ có khoảng 50 khách, 70 khách là loại đám cưới lớn, còn 100 khách hoặc hơn thì chắc xếp vào loại hoành tráng (mà đến 90% thế nào cô dâu hoặc chú rể cũng là người gốc châu Á hoặc Hy Lạp).

Đám cưới phương Tây thường đơn giản và chỉ có bạn bè thân được mời tham dự. Ảnh: Mai Nguyễn.

Ngược lại, tâm lý người Việt thì đám cưới là dịp để thông báo với họ hàng hai bên (thường là họ cũng phải xa cỡ chị họ của chồng, em gái, bác họ cô dâu), cộng thêm bà con lối xóm và bạn bè gần xa (quen sơ sơ cỡ làm thư ký sếp thằng bạn thân thì cũng là bạn tôi). Thế nên khách khứa hầu như vài trăm là ít, có mấy đám cưới nếu bố mẹ làm quan chức ở cơ quan nhà nước thì để thể hiện mối quan hệ với xã hội, con số một nghìn khách hoặc hơn thì không có gì là lạ. Hôm trước ngồi tán chuyện với mấy đứa bạn thì chúng nó nói đám cưới Việt Nam là bộ mặt của bố mẹ tôi, nghĩ đi nghĩ lại chắc không sai.

Một điều nữa là ở phương Tây, trong tiệc cưới cô dâu chú rể sẽ có một bàn riêng, trang trí đầy hoa rất đẹp để khác với bàn của khách. Họ sẽ chỉ việc bước vào phòng tiệc, ăn uống cùng khách. Do số lượng khách nhỏ nên việc sắp xếp bàn ai ngồi đâu khá đơn giản (Ở Việt Nam hầu như là không thể). Trung bình, trong một tiệc cưới thì sẽ khai tiệc bằng việc mở sâm banh để cô dâu chú rể nói lời cảm ơn tới quan khách. Tiếp theo nhà hàng sẽ phục vụ một món khai vị, một món ăn chính và một món tráng miệng cho từng khách, kèm theo đồ uống là rượu hoặc nước ngọt. Ai cũng có phần riêng của người đó, thường nếu có trẻ em thì sẽ ăn thực đơn riêng cho trẻ em. Sau đó là màn cắt bánh và mời khách kèm theo trà hoặc cà phê. Tiếp sau đó sẽ mở sâm banh đợt hai để bố mẹ và khách khứa gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến cô dâu, chú rể. Sau cùng là màn nhảy nhót hoặc hát hò và/hoặc open bar (nếu cô dâu chú rể chịu chơi vì chi phí rượu bên này khá cao). Hầu như khách khứa sẽ ở lại cho đến khi cô dâu chú rể muốn ra về (trừ nhà nào có con nhỏ thì về trước).

Cô dâu, chú rể nói lời cảm ơn khách sau khi sâm panh được rót trong đám cưới tại Anh. Ảnh: Mai Nguyễn.

Ở Việt Nam thì sẽ không có chuyện cô dâu chú rể được ngồi (ăn thì lại quá xa xỉ). Mà theo phong tục tập quán, thì sau khi bố cô dâu và bố chú rể (hoặc người đại diện) nói lời cảm ơn tới khách khứa (chứ cô dâu chú rể chỉ được làm bình vôi đứng đấy làm duyên thôi), thì tiệc cưới bắt đầu. Cô dâu chú rể sẽ phải đi từng bàn của khách để cụng ly chúc mừng… cho chính tôi. Đám cưới nhỏ tầm 30 mâm, mỗi mâm đứng chừng 2 hoặc 3 phút chào hỏi thì cũng mất đến 1 tiếng rưỡi. Đấy là chưa nói nhà nào hoành tráng cỡ 100 mâm thì chắc vắt chân lên cổ cũng không kịp. Khổ một nỗi, đến hết tiệc mà chưa cụng ly xong hết các bàn thì sẽ bị mang tiếng bất kính. Mà có nhiều khách đến ngồi chưa nóng chỗ đã đi về thì cô dâu chú rể cũng phải chạy theo ra cửa để chào.

Cô dâu, chú rể đi từng bàn cụng ly và cảm ơn quan khách tới dự trong đám cưới ở Việt Nam. Ảnh: Mai Nguyễn.

Tóm lại, tôi tính vị chi cả cái đám cưới ở Việt Nam, cô dâu chú rể phải chào từng người là… bốn lần: một lần chào đón khách vào cửa, một lần chào chung tất cả khi làm lễ, một lần chào riêng khi đến từng mâm, và chào thân ái, quyết thắng khi ra về. Và chắc trong quá nửa số khách khứa, cô dâu chú rể cũng chẳng biết là ai, chẳng biết xưng hô thế nào. Tất nhiên là ăn xong, tiệc tàn thì cũng giải tán, ai về nhà nấy. Cô dâu, chú rể lúc đó đã phờ phạc mới được ngồi ăn, mà nhiều khi mệt quá chẳng ăn nổi ý chứ. Nhưng dù gì đó cũng là phong tục tập quán, và đã là phong tục thì phải theo, không tránh được.

Một điều đáng nói là theo tôi thấy đám cưới ở Việt Nam khá …phung phí. Cứ đám cưới là phải mâm cao cỗ đầy, mỗi mâm chục món, nhưng khách đến thì người đến sớm, người đến muộn, động đũa cũng chỉ vài gắp. Vì đi ăn cỗ thường tâm lý chung là cứ phải nhìn trước nhìn sau, cỗ ngon hay ko ngon thì cũng thế, nên thường là thức ăn thừa ra phải quá nửa (mà nói thực là cỗ nhiều khi cũng quá nhiều so với khả năng mỗi người). Bánh cưới hoành tráng thế cũng cắt ra để đấy thôi vì làm gì có ai ăn. Sâm panh rót ra tháp ly cũng không ai uống mà chỉ để làm cảnh. Tóm lại là thức ăn không được thực tế như các bạn phương Tây rồi. Việt Nam vẫn chuộng hình thức hơn.

Nếu để nói về sự khác nhau thì còn nhiều nhiều những cái khác nữa nhưng tôi mà viết thì sợ chẳng ai đọc nổi nữa (bài này mang tính chất tổng quan thôi mà). Quan trọng là, nghiên cứu để biết được tình hình cưới xin ở Việt Nam như thế và những phong tục không thể tránh khỏi, đòi hỏi tôi phải cố gắng "vượt lên số phận", (quan trọng nhất là vượt qua được bố tôi) và kết cục là đã có hai đám cưới khá vui và ý nghĩa.

Nguồn: Ngoisao.net

BÌNH LUẬN

Hoa 10 giờ's Blog

Mang sắc đỏ rực rỡ vào đám cưới Giáng sinh

Nếu khéo léo mang những phụ kiện màu đỏ vào đám cưới dịp Noel, uyên ương sẽ làm khách mời thích thú và hào hức với bữa tiệc lộng lẫy.
> Xem tiếp
Gọi
THIẾT KẾ HOA ĐẶC BIỆT