Xuyên việt cùng Thợ cắm hoa Hạnh PhúcCho thuê xe cổ đón dâu - Volkswagen Hành trình 77 ngày xuyên việt Tặng hoa

Cốm tươi - Thức quà được người Hà Nội tranh thủ tìm mua những ngày cuối thu

Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa, lúc dần chuyển sang đông thì cũng là lúc hết mùa cốm. Những ngày này, nhiều người Hà Nội lại tranh thủ mua vội ít cốm tươi thơm lừng để tận hưởng và níu giữ thêm cái hương thơm tinh khiết của mùa thu se lạnh.

Ngẩn ngơ hương cốm thơm những ngày gió heo may

Cùng với hai mùa lúa chín, cốm gần như có quanh năm. Nhất là khi mỗi gia đình đều sắm cho mình một chiếc tủ lạnh, việc bảo quản cốm tươi cũng trở nên dễ dàng hơn. Vì thế, khi mùa đã tàn, người Hà Nội vẫn có thể níu giữ hương cốm tươi ở lại bên mình rất lâu.

Thế nhưng, ăn cốm, ngon nhất vẫn là vào mùa thu. Khi những giọt sương giăng tràn khắp lối, kéo theo cái lạnh se sẽ phả vào trong từng trận gió mùa, những chiếc lá sen đã dần chuyển già coong, kết đọng cái hương thơm tinh túy nhất của đất trời, cốm mùa thu bắt đầu theo chân những gánh hàng rong len vào từng ngõ hẻm. Nhờ được tiết trời ưu ái, vị cốm thu bao giờ cũng dẻo dai, trong xanh và ngát hương hơn mùa hè. Người Hà Nội tiếc nuối, vội vàng săn đón chút quà tao nhã cuối mùa của lúa non, cũng là vì thế.

 

Những hạt cốm xanh được gói cẩn thận tỏng lớp lá dáy, lá sen, buộc rơm nếp đầy hấp dẫn.

Ảnh: Doãn Tuấn.

Dẫu ngợi ca và yêu mến cốm đến đâu, người dân đất kinh kỳ cũng không mấy khi ăn cốm lấy nhiều. Dù đã cuối vụ và thêm chút luyến tiếc, khi ra phố, bắt gặp hàng cốm xanh thơm ngon, họ cũng chỉ lặng lẽ táp vào mua một vài lạng rồi đi, mang theo bọc cốm tươi tỏa hương ngào ngạt.

Chị Thanh Thủy (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết, cốm tươi không nên để lâu mà nên dùng hết trong ngày vì nếu không, hạt cốm thường bị cứng lại, mất đi vị dẻo dai vốn có. "Cốm tươi rất dễ hư nếu bảo quản không tốt, nhất là khi thời tiết ẩm ướt, chúng dễ bị mốc. Nếu để tủ lạnh lâu, hạt cốm sẽ bị cứng và khô. Nhà tôi thích ăn cốm nhưng chỉ dám mua từng chút một, ăn đến đâu, hết đến đấy", chị Thủy tâm sự.

Dù vội vã, tranh thủ tận hưởng hương cốm cuối mùa nhưng người Hà Nội cũng chẳng mua được nhiều.

Thông thường, họ chỉ mua vài lạng về nhâm nhi cho vui miệng. Ảnh: Doãn Tuấn

Trong khi đó, anh Ngọc Minh (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết, vì muốn mua làm quà tặng người thân ở xa nên anh vừa tìm đến làng cốm ở Mễ Trì Hạ mua 2kg với giá 300.000 đồng. "Tôi mua 2kg để gửi đi 2 nơi, mỗi nơi một chút còn bình thường, gia đình tôi có ăn cũng chỉ dám mua vài lạng/lần vì sợ hỏng. Mình không có đồ nghề nên không thể mang cốm cũ ra rang rồi giã lại để lưu giữ vị dẻo thơm của hạt cốm được".

Theo anh Minh, ăn cốm cuối mùa cũng có cái thú riêng vì hạt cốm có phần già và bùi hơn. "Cá nhân tôi thấy đến cuối vụ, hạt cốm bao giờ cũng dày và bùi hơn. Hương cốm cũng thơm hơn vì lúc này, lá sen và hương lúa cũng đã vào độ chín muồi".

Cốm có rất nhiều cách thưởng thức. Có thể ăn ngay hoặc chế biến cốm thành các món bánh cốm, cốm xào và chè cốm... Mỗi món có một sức hấp dẫn riêng nhưng tuyệt nhất vẫn là nhâm nhi những hạt cốm mộc. Ăn cốm tươi, người ta có cảm giác tất cả âm hưởng mùa thu tuyệt diệu đều đọng lại trên đầu lưỡi. Ở đó có hương sen thơm, có mùa lúa chín, chút vị cỏ dại của lá dáy, lạt buộc. Sắc cốm tươi xanh như ngọc bích, nổi trên màu thẫm biếc của lá sen già... màu sắc ấy như hòa tan trong khoảng không xanh biếc cũa vũ trụ trên cao. Mùa thu Hà Nội, có lẽ đẹp nhất cũng là đây.

Cốm tươi vì thế chỉ thuộc về những ai sành ăn và rỗi rãi thời gian. Người ta mua từng chút một, không vội vàng, xô bồ như những thức quà khác. Các hàng quán làm bánh, chả hay chè cốm, họ thường mua rất nhiều nguyên liệu về làm dần nhưng đó là thứ cốm khô, dễ dùng và cũng dễ bảo quản.

Nhọc nhằn nỗi niềm nghề bán và làm cốm tươi

Cốm không ăn vội cũng không mua vội được nên những gánh hàng rong thường bán hết hàng một cách chậm chạp hơn. Chị Nguyễn Thị Hoa (chuyên đạp xe bán cốm quanh đường Thụy Khuê) tâm sự: "Mùa cốm đã sắp hết nhưng mấy ai biết đâu, chỉ có một số tinh ý thì tiếc nuối hỏi mua nhiều còn bình thường, nếu hôm nào đắt hàng cũng phải đạp xe từ sáng tới tối mới bán hết khoảng 10kg cốm vì mỗi người mua, họ chỉ mua 1-2 lạng cốm tươi".

Theo chị Hoa, những người muốn mua nhiều cốm thường tìm đến các làng nghề như Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng hay làng Vòng để đặt hàng. Những thực khách mua ở hàng rong trên phố thường chỉ là mua ăn chơi cho vui. Vì thế, suốt mùa cốm, những người như chị Hoa chỉ bán chạy hàng lúc đầu và cuối vụ bởi khi ấy, tâm lý tò mò hoặc tiếc nuối thường kích thích vị giác của thực khách sành ăn.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hồng (chuyên bán cốm trên phố Hàng Da) chia sẻ: "Giá cốm thường hình thành một khung chung, ở đâu cũng bán khoảng 20.000 đồng/lạng nên người bán cốm không có lời lãi nhiều".

Theo chân những gánh hàng rong, cốm len lỏi khắp mọi cung đường Thủ đô. Ảnh: Doãn Tuấn

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, giá cốm tươi ở các làng nghề Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng chỉ khoảng 15.000 đồng/lạng. Với mức giá này, mỗi kg cốm bán ra, người bán thu về khoảng 50.000 đồng. Nếu một ngày bán hết được 10kg cốm thì số tiền lãi kiếm được cũng không phải là ít. Tuy nhiên, để đạt được doanh thu ấy, những người bán cốm cũng thường rất vất vả khi mỗi sáng đều phải thức dậy sớm đi nhập cốm về bán và lê la, rong ruổi khắp các góc phố để tìm kiếm người mua.

"Cốm tươi không để tủ lạnh được vì dễ bị khô. Cốm để qua đêm cũng sẽ khác hơn vì hạt cốm bắt đầu se lại. Những người có chút kinh nghiệm, chỉ nhìn thôi là họ biết. Vì thế, người đi bán cốm bao giờ cũng phải dậy sớm để đi nhập hàng về và cố gắng bán hết trong ngày", chị Hoa nói.

Trước khi đến tay người tiêu dùng, hạt cốm đã trải qua không biết bao lần giã đập, dần sàng.

Ảnh: Thu Hường.

Không chỉ có việc bán cốm mới vất vả, những người làm ra hạt cốm cũng phải chịu đựng đủ nỗi gian truân. Anh Thành (một người bán và sản xuất cốm tươi ở làng Vòng) chia sẻ: "Hạt cốm đến tay người mua đã trải qua không biết bao nhiêu công đoạn rang, giã, sàng, sẩy, phơi nắng... Ngày xưa người ta giã cốm bằng chân, bây giờ khác hơn là có máy móc hỗ trợ nhưng nhìn chung vẫn còn rất nhiều công đoạn khác phải làm thủ công nên rất mệt nhọc".

Theo anh Thành, nghề làm cốm rất vất vả nhưng thu nhập chưa cao khi phải chi trả tiền nhân công nhiều hơn các nghề khác. "Làm ra một kg cốm thành phẩm có khi mất cả ngày trong khi đó, giá của nó chỉ 150.000 đồng nhưng tiền thu nhân công có khi đã cao hơn thế cả 50.000 đồng".

Tuy nhiên, ngần ấy cũng không đủ ngăn nổi tình yêu của những người làm cốm đối với thức quà trân quý của lúa non. "Nghề cốm từng lao đao vì tin đồn dùng phẩm nhuộm. Vì thế, hàng năm, làng Mễ Trì vẫn hay tổ chức hội cốm tươi vào ngày 10/10, công khai mọi quy trình làm cốm cho người khác hiểu rõ. Chúng tôi làm nghề này không vì vụ lợi, tham tiền mà chủ yếu là níu kéo cái nghề mà cha ông truyền lại và hy vọng, vị cốm tươi sẽ còn lại trên đất Thủ đô cho đến mãi ngàn sau".

Theo Kenh14/ Trí Thức Trẻ

BÌNH LUẬN

Hoa 10 giờ's Blog

25 THÔNG ĐIỆP TÌNH YÊU TẾ NHỊ BẰNG CÁC THỨ TIẾNG TRÊN THẾ GIỚI

Tình yêu có vô vàn cảm xúc phong phú mà một ngôn ngữ có thể không chuyển tải được hết. Trong chùm ảnh sau của tờ Huffington Post, bạn sẽ học được 25 từ vựng đẹp đẽ miêu tả những cảm xúc trong tình yêu của nhiều thứ tiếng khác nhau ngoài tiếng Anh
> Xem tiếp
Gọi
THIẾT KẾ HOA ĐẶC BIỆT